Art / Design / Lifestyle
POSTED ON: April 29th, 2020 4:48 PM by Van Anh
Khi thế giới không còn vận hành theo cách thông thường, khi chúng ta không còn sự tự do di chuyển để có thể đến thăm những bảo tàng, những phòng triển lãm, buổi biểu diễn nghệ thuật hay concert, những tưởng nghệ thuật sẽ chỉ chìm vào vùng quên lãng. Nhưng cũng chính từ giai đoạn “lạ lùng” ấy của thế giới, nghệ thuật cổ điển lại là một trong những điểm tựa tinh thần của nhiều người.

Âm nhạc cổ điển bùng nổ Instagram
Lại một lần nữa, mạng xã hội thể hiện sức mạnh phi thường của mình trong vai trò truyền bá văn hóa.
Trong khi âm nhạc cổ điển thường gắn liền với hình ảnh những nhà hát mái vòm, những tấm vé đắt đỏ và bản nhạc không phải ai cũng có thể cảm thụ, thì giờ đây nhiều người dù có thích nghe nhạc cổ điển hay không cũng sẽ có cơ hội được lắng nghe những trích đoạn âm nhạc hàn lâm như vậy trên chính trang mạng xã hội yêu thích của mình.

Hàng loạt dàn nhạc nổi tiếng trên thế giới, những nhạc công danh tiếng bắt đầu sử dụng mạng xã hội như một hình thức “biểu diễn”. Họ chia sẻ những trích đoạn nổi tiếng, họ cung cấp nhiều buổi trình diễn chất lượng cao hoàn toàn miễn phí, họ thậm chí biểu diễn ở sân khấu “không người nghe” và truyền hình trực tiếp nó trên mạng xã hội.
Chưa bao giờ nhạc cổ điển trở nên gần gũi như vậy với công chúng. Hình ảnh cả dàn nhạc sử dụng Zoom để chơi nhạc từ chính ngôi nhà của họ khiến ta nhận ra rằng ngay cả nhạc cổ điển cũng có thể được số hóa chứ không phải khái niệm xa vời mù mịt như nhiều người vẫn nghĩ.
Nghệ thuật miễn phí
Những bảo tàng danh tiếng ở nhiều thành phố lớn như Berlin, Paris, New York… tiếp tục giới thiệu những tác phẩm trưng bày đến công chúng bằng các tour thăm quan từ xa. Ngay sau đó nhiều triển lãm nghệ thuật đương đại mới cũng chọn cách này để người xem vẫn có thể thưởng thức nghệ thuật từ chính nhà mình. Nếu ở thời điểm trước đó, chúng ta nếu muốn ghé thăm những bảo tàng danh tiếng trên thế giới sẽ phải đến tận thành phố đó, nhưng dường như bùng nổ đại dịch khiến thế giới nghệ thuật gợi mở hơn với nhiều người.

Một trong những cách rất thú vị đưa nghệ thuật vào cuộc sống là… sử dụng Instagram. Nhiều bảo tàng hay phòng tranh vốn nổi tiếng với hàng ngàn hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa chia sẻ hình ảnh kèm thông tin về từng hiện vật trong mỗi post của mình, thậm chí có video ghi lại nhân viên bảo tàng và chuyên gia chia sẻ thêm về giá trị của nhiều tác phẩm. Nếu theo dõi các trang Instagram này, mỗi ngày newsfeed của bạn sẽ tràn ngập những tác phẩm của Van Gogh, Monet… và rồi bạn sẽ chợt nhận ra, nghệ thuật mang lại sự an ủi lớn lao đến thế nào.
Lục tìm lại giá trị nghệ thuật
Cảm thụ nghệ thuật là khái niệm mang tính cá nhân, mỗi người sẽ có những cách cảm thụ riêng. Nhưng trong những ngày con người “buồn chán” ngồi nhà, khái niệm về cảm thụ nghệ thuật được mở rộng ở một hình thái mới: tái hiện lại những bức tranh nổi tiếng.
Trào lưu mạng xã hội này nhanh chóng trở thành món ăn tinh thần của nhiều người. Những bức tranh của nhiều họa sĩ tên tuổi bỗng chốc được truyền bá rộng khắp chỉ bởi ai đó tái hiện lại chúng bằng những cửa chỉ, điệu bộ, đồ đạc của mình. Đột nhiên, ai cũng sẽ tìm thấy mình trong những tác phẩm có tuổi đời hàng trăm năm, đột nhiên họ có thể cười, hay thích thú, hay kinh ngạc với một tác phẩm họ chưa từng có cơ hội thấy trong đời.

Cũng là những ngày đại dịch, nghệ thuật được lục tìm và chia sẻ, những bức tranh tái hiện sự cô lập của con người đặc trưng phong cách Edward Hopper bỗng trở thành niềm an ủi và đồng cảm trong giai đoạn cách ly xã hội. Dù cố ý hay không, người ta dần bóc tách lại những giá trị căn bản của nghệ thuật: rằng chúng ta không thể và sẽ không bao giờ tách rời cuộc sống với nghệ thuật, rằng ở giai đoạn khó khăn, hay thử thách thế nào, nghệ thuật được sinh ra là để xoa dịu và là chốn an toàn cho những cuộc trốn chạy chớp nhoáng khỏi thực tại.
Vân Anh
- Contrast Collection – Bộ sản phẩm màu tương phản với chất âm tuyệt đẹp và thiết kế vĩnh cửu
- Nếu yêu nhiếp ảnh phim thì bạn nhất định phải theo dõi những tài khoản Instagram sau
- “Nhặt Lá Rừng Xưa” tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory
- 7 cách để mang nhiều nghệ thuật hơn vào cuộc sống thường nhật trong năm 2020
- Tìm về mùa Tết xưa qua những bức tranh Tết trên giấy dó
- Insta Novel – Khi nghệ thuật “tấn công” mạng xã hội